Táo Tàu

4/14/2008

TÁO TÀU (Đại táo)

Cam thảo và Táo tàu (Đại táo) là hai vị thuốc thông dụng nhất của Y hoc cổ truyền Trung Hoa, có mặt trong rất nhiều toa thuốc Bắc.  Trong các toa thuốc dân tộc, hay Dược học cổ truyền được Bộ Y Tế Việt Nam chính thức chấp nhận.

Việc sử dụng Táo tàu cũng là một nghệ thuật riêng vì chính Táo tàu nhiều hay ít mà thang thuốc được tăng hay giảm tác dụng dược lực và tính chất trị liệu của thang thuốc được đưa đến nơi mong muốn.  Mỗi vị Lương Y có một cách sử dụng Táo tàu riêng.

Tuy gọi là Táo tàu, nhưng tại Việt Nam có lẽ lý do chính trị (ngại dùng từ tàu?) nên Nhà nước gọi là Táo ta hay Đại táo.  Táo tàu (Jujube) dĩ nhiên là loại táo thông dụng với người tàu, tương tự như táo tây (apple) đối với ngườ Âu Mỹ và Táo tàu ngày nay được trồng tại khắp nơi trên thế giới, kể cả Hoa Kỳ. 

Tại Trung Hoa, Táo tàu được xem là lọai cây cho quả thông dụng nhất, trồng hầu như khắp nơi (loại cây xếp hạng nhì là cây Hồng – Persimmons).  Táo tàu được dùng làm thuốc tại Trung Hoa từ thời nhà Hán (năm 25-220 Tây lịch). 

Táo tàu được nhà thực vật Mỹ gốc Hòa Lan, ông Frank N Meyer đưa vào Hoa Kỳ khoảng năm 1837 và những vườn tào thử nghiệm đầu tiên tại Hoa Kỳ được thiết lập vào năm 1915 tại khu vực thử nghiệm của Bộ Canh Nông Hoa Kỳ ở Chico, CA.  Cây cũng được trồng thử tại các tiểu bang Texas và Oklahoma, nhưng không mang lại kết quả tốt.  Một chương trinh lại tạo được khởi động tại Chico vào năm 1952 nhưng sau đó dự án bị bãi bỏ vào 1959.  Các khu trồng táo bị san bằng vào 1983.

Tại Hoa Kỳ, táo tàu có thể trồng được gần như tại mọi tiểu bang phía Nam.  Do cây cần có một thời gian sống dưới thời tiết khô và nóng (để làm chín quả), nên khí hậu vùng lạnh Bắc Mỹ và ẩm ướt cao của vịnh Mexico không thích hợp với cây.

Tại California, táo mọc khá tốt tại những vùng thung lũng phía Bắc rặng Sierra và hầu như toàn phía Nam cuả tiểu bang tại Oregon, chỉ quanh vùng Medford là trồng được táo tàu.  Cây cũng mọc tốt trong những vùng từ Palmdale (California) đến Las Vegas, và tại Arizona từ Bisbee đến Phoenix.  Texas (vùng Houston) , Okalahoma cũng có thể trồng được. 

Tên khoa học và các tên thông thường:
Ziziphus jujuba hay Z.jujuba var. inermis thuộc thực vật Rhamma ceae.

Các tên thông thường: Common jujube, Chinese date, Red date, Táo tàu.

Thành phần dinh dưỡng:

 Quả tươiQuả khô
Calories
79-105
287
Chất đạm
1.2 g
3.7 g
Chất béo
0.2 g
1.1 g
Chất sơ
1.4 g
3 g
Calcium
21 mg
79 mg
Sắt
0.48 mg
1.8 mg
Magnesium 
10 mg
37 mg
Phosphorus
23 mg
100 mg
Potassium
250 mg
531 mg
Sodium
3 mg
9 mg
Kẻm
0.05 mg
0.19 mg
Đồng
0.073 mg
0.265 mg
Manganese
0.084 mg
0.365 mg
Beta Carotene (A)
40 IU
N/A
Thiamine (B1)
0.02 mg
0.21 mg
Riboflavine
0.04 mg
0.36 mg
Niacin
0.90 mg
0.5 mg
Pyridoxine
0.081 mg
N/A
Ascorbic Acid (C)
69 mg
13 mg

Về phương diện dinh dưỡng, Táo tàu chứa lượng chất ngọt khá cao, chừng 22%. Táo khô có tính xổ nhẹ, và táo khi ăn tươi khá tốt cho bao tử. Táo tàu có thể ăn sống, phơi khô, ngâm chua hay muối, hay ngâm nước đường. Tại Triều tiên, táo được dùng lấy bột làm kochuyang, một loại bánh lên men.

Dược tính và các nghiên cứu khoa học: Có thể chia các nghiên cứu khoa học về Táo tàu thành 2 nhóm: nhóm nghiên cứu về Táo nguyên quả (Đại táo) và nhóm về hạt táo chua (Toan táo nhân).

TÁO NGUYÊN QUẢ:
Tác dụng bổ dưỡng toàn thể: Khi cho chuột dùng nước chiết từ Táo tàu mỗi ngày, liên tục trong 3 tuần lễ Chuột có sự tăng trọng và tăng khả năng chịu đựng (đo bằng thử nghiệm cho chuột bơi trong nước). Các thử nghiệm tại Bắc Kinh ghi nhân trong Táo tàu có nhiều Cyclic AMP có hoạt tính sinh học, hoạt động như một chất chuyển các tính hiệu trong việc điều hòa các kích thích tố trong cơ thể (Đông Y ngày nay xem Cyclic AMP là một yếu tố quan trọng trong việc giữ quân bình Âm Dương).

Tác dụng trên bệnh Gan:
Thử nghiệm trên thỏ bị gây ngộ độc gan bằng cargon tetrachloride, cho dùng nước chiết táo tàu liên tục trong 7 ngày: mức độ phục hồi nhanh hơn so với thỏ đối chứng không dùng táo.

Thử nghiệm tại BV Bắc Kinh: cho 12 bệnh nhân có nồng độ SGOT cao trong máu (dấu hiệu cho thấy sự hư hại của các tế bào gan), do bị sưng gan hay sơ gan, uống dung dịch gồm táo tàu, đậu phọng và đường phèn, mỗi ngày trước khi đi ngủ trong 1 tháng liên tục. Kết quả ghi nhận nồng độ SGOT (=ALT) của tất cả 12 bệnh nhân đều giảm xuống, cho thấy có sự phục hồi của chức năng gan. (Dan Bensky in Chinese Herbal Medicine Materia Medica).

Tác dụng trên ung loét bao tử:
Thử nghiệm tại Nhật và Đức ghi nhận trích tinh táo tàu bằng alcohol có thể ngừa được các lọa ung loét bao tử do stress gây ra (Phytochemistry Số 19/1980).

Tác dụng sát trùng:
Các triterpenes trong Táo tàu như Ursolic acid và oleanic acid có thể ngăn chăn được sâu răng gây ra do Streptococcus mutans.

Khả năng chống dị ứng:
Các nhà nghiên cứu Nhật đã chứng minh được tác dụng chống dị ứng của táo tàu, có thể do Cyclic AMP: tác dụng này hữu hiệu ngay ở cả trường hợp dị ứng trực tiếp (loại I = Immediate) và dị ứng theo phản ứng từ tế bào trung chuyển (lọai IV = Cell mediated).

Tác dụng trên bệnh tiểu đường:
Nghiên cứu tại Đại Học Y Dược Dakar (Senegal) ghi nhận nước chiết từ lá Zizyphus mauritiana có khả năng làm hạ đường trong máu khi thử trên chuột bị gây bệnh tiểu đường băng alloxan, hay bằng thử nghiệm dung nạp glocose. Trong test dung nạp glucose, nếu cho chuột dùng 300mg/kg 90 phút trước khi thử nghiệm, mức đường giảm hạ rất nhanh, và trong thử nghiệm với chuột bị gây tiểu đường liều 300mg/kg mỗi ngày có tác dụng hạ đường tương đương với glibenclamide liều 0.2mg/kg. (Dakar Medicine Số 45-2000).

TOAN TÁO NHÂN:
Trong một thử nghiệm trên chó đã cho uống caffein để táo ra tình trạng khó ngủ, nước sắc từ hạt táo chua có khả năng giúp chó ngủ lại bình thường, bất luận ngày đêm. Thử nghiệm trên chuột cũng cho kết quả tương tự. Nước chiết từ nhân táo chua làm giảm được phản xạ kích thích thần kinh. Các thử nghiệm không tìm thấy sự khác biệt giữa hạt táo tươi và hạt táo khô. Hoạt tính gây ngủ có lẽ do nhóm glycosid loại flavonoid (Spinosin, swertisin va` Zivulgarin), do các alkaloids và các saponins (Jujubosides A và B) có trong nhân hạt. Khi chích dịch chiết từ hạt táo chua qua màng phúc toan của chuột: khả năng làm giảm đau diễn ra rõ rệt (do bằng phản ứng của cơ thể chuột đối với kích xúc bằng nhiệt) (Chang and But: Pharmacology and Applications of Chinese Materia Medica-1987).

Đa số các thử nghiệm về tác dụng an thần và trị mất ngủ của Toan táo nhân được thực hiện bằng cách cho bệnh nhân dùng đặc chế Toan táo nhân thang phiến = Suanzao reng tang pian. Đặc chế này dựa trên toa thuốc của Danh Y Trương Trọng Cảnh ghi trong Kim Phương Bí lục công thức gồm: Toan táo nhân 50%, Xuyên khung 8.3%, Phục linh 17%, Tri mẫu 17% và Cam thảo 8.3%. Bệnh nhân dùng thuốc này giảm được các triệu chứng thần kinh, ngủ an giấc và không bị các phản ứng phụ gây ra bởi các loại thuốc an thần của Tây Y (International Journal of Clinical Pharmacology Therapeutics and Toxicology Số 24-1986).

Tác dụng điều hòa thân nhiệt và trị phỏng:

Thử nghiệm trên chuột bạch bằng cách cho uống hoặc chích nước chiết từ hạt táo chua, ghi nhận thân nhiệt của chuột giảm xuống rõ rệt; ngoài ra tỷ lệ tử vong cũng giảm khi cho chuột bọ bị phỏng nặng uống nước chiết toan táo nhân, phản ứng phù nược nơi bị phỏng cũng giảm rõ rệt.

Tác dụng trên Hệ tim mạch:
Toan táo nhân làm hạ huyết áp, đồng thời có tác dụng ngăn chặn luồng thần kinh hướng về tim.

Độc tính và liều sử dụng:
Liều thường dùng là 9-18 gram dưới dạng thuốc sắc. Lièu LD50 thử trên chuột là 13.3 g/kg (chích qua màng phúc toan).

Tài liệu sử dụng:
Herbal Emissaries (Steven Foster & Yue ChongXi)
The Pharmacology of Chinese Herbs (Kee Chang Huang)
Chinese Herbal Medicine Materia Medica (Dan Bensky &A.Gamble)
Medicinal Plants of India (S.K Jain & R. DeFìlipps)
The Healing Power of Rainforest Herbs (Leslie Taylor)
Encyclopedia of Herbs (Deni Bown)
Whole Foods Companion (Dianne Onstad)
The Oxford Companion to Food (Alan Davidson) 

Xem sản phẩm dược thảo.

Bình luận cho bài viết này

Vui lòng nhập tên của bạn.
Vui lòng nhập Email của bạn.
Email của bạn không đúng. Vui lòng nhập lại.
Vui lòng nhập điện thoại.
Vui lòng nhập nội dung.

Các bài khác