Nỗi Buồn Cuối Năm (SAD)

11/20/2008

NỖI BUỒN CUỐI NĂM
(SAD)
SEASONAL AFFECTIVE DISORDER

DS. Huỳnh Trọng Tâm

sad1 Mùa Thu đến, lá vàng rơi, gió Thu se sẽ lạnh khiến cho lòng ta chơi vơi. Năm nay mùa Thu quá ngắn ngủi, quá vội vàng, sương Thu chưa có dịp long lanh trên đầu cây ngọn cỏ, tơ Thu chưa kịp giăng mắc trên bầu trời trong xanh, mà mây Thu đã giằng giặc xây thành chắn hết nẻo nắng về. Nàng Thu phải nức nở nghẹn ngào nhường bước cho mùa Đông với những mưa gió phũ phàng, với giọng ca u buồn của người ca sĩ trong đêm Giáng Sinh, như vang vọng vào không gian, với trống vắng cô đơn, với những thương tiếc  không nguôi về một quê hương đã nghìn trùng xa cách:

 

... Chiều chưa đi, màn đêm rơi xuống,
Đâu đây buông lững lờ tiếng chuông,
..........................................................
Đêm Đông, ôi ta nhớ nhung đường về xa xa.
Đêm Đông, ta mơ giấc mơ gia đình yêu đương,
Đêm Đông, ta lê bước chân phong trần tha phương,
Có ai thấu tình cô lữ đêm Đông không nhà.

Phải rồi, những tin tức sôi động của ngày bầu cử  đã qua đi, những ngày lễ lớn, mua sắm,  quà cáp,  hội hè cũng qua, ta còn lại những gì? Có chăng những buồn chán, mệt mỏi, cô đơn, hụt hẩng, âu lo cho việc làm, cho tương lai, cho một nền kinh tế khủng hoảng suy đồi.

Mùa Đông, mùa Đông ở đây với những cơn mưa dai dẳng không nguôi, với những  cành trơ trụi lá như những cánh tay gầy khẳng khiu run run trước gió, cố níu kéo, cố vén bầu trời xám xịt mây đen mong tìm một tia nắng ấm. Nắng thì không tìm được, lòng lại cứ bâng khuâng với những nỗi buồn vô duyên cớ, nỗi lo lắng vu vơ, tinh thần bãi hoải, thân xác rã rời. Một mình trước ngọn lửa bập bùng của lò sưởi đêm Đông, đầu óc nghĩ ngợi mông lung: Đây có phải là những buồn nản vu vơ, những lo âu vô duyên cớ không? Thật ra đây là một chứng bệnh đã được nghiên cứu và đặt tên:

BỆNH BUỒN(SAD)

Chữ viết tắt  của chứng bệnh: Seasonal Affective Disorder. Nó tác hại và ảnh hưởng đến chúng ta theo chu kỳ: vào những tháng cuối năm, những ngày lễ lớn, lúc mà ngày ngắn đêm dài, bóng tối nhiều hơn ánh sáng. Bắt đầu từ cuối Thu kéo dài cho đến hết mùa Đông. Khoảng 5% dân chúng Hoa Kỳ bị bệnh này ảnh hưởng. Số nữ bệnh nhân nhiều gấp 4 lần nam. Bệnh hoành hành nhiều nhất ở các tiểu bang thuộc miền bắc Hoa Kỳ. Ông Michsel W. Jann, Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Y Dược Học tại trường đại học Southern School of Pharmacy, Mercer University, Atlanta đã nói: “ Chúng ta phải thừa nhận rằng Bệnh Buồn là một căn bệnh thật sự đã tác hại đến nhiều người vào mỗi độ Đông về.

 

NGUYÊN NHÂN:
Bệnh Buồn có nhiều nguyên nhân:

  1. Ánh sáng bị giảm bớt và bóng tối gia tăng làm ảnh hưởng đến sự sản xuất Hưng Phấn Tố trong cơ thể, như chất Cortisol.
  2. Sự thay đổi thời gian thức ngủ đã ảnh hưởng đến cơ thể của con người.
  3. Những ăn uống thất thường, những hội hè quá nhiều đã xáo trộn sự dinh dưỡng và sinh hoạt của cơ thể.
  4. những khác biệt về kế hoạch của gia đình, những chương trình chưa hoàn tất được trong năm đã ảnh hưởng đến suy tư của não bộ.
  1. Sự xa cách người thân vì không gian cách biệt, vì bệnh tật, vì qua đời đã ảnh hưởng đến tình cảm của con người.
  2. Sự tiếc nuối những kỷ niệm êm đẹp về những ngày lễ xa xưa.
  3. Những chi phí gia tăng ngoài dự trù cho quà cáp, áo quần, trang trí, hội hè là mối âu lo của mọi người.

TRIỆU CHỨNG:
Người mắc phải bệnh buồn nản (SAD) thường không biết mình đang lâm bệnh:

  1.  
    1.  
      1.  
        1. Thích xa lánh mọi người, một mình trong cô độc.
        2. Tinh thần mệt mỏi, thân xác rã rời. Biếng nói, lười sinh hoạt, thích ngủ nhiều hơn bình thường.
        3. Mất hết nhuệ khí, sút cân, hay gắt gỏng.
        4. Tâm thần bải hoải, tình cảm bị xáo trộn, buồn vui bất thường.

ĐỀ PHÒNG:

  1. Bạn bè bà gia đình cần giúp đỡ bệnh nhân, đưa họ ra khỏi tình trạng khủng hoảng nầy.
  2. Nên biết rằng đây chỉ là triệu chứng có giai đoạn, tạm thời rồi sẽ hết khi mùa Đông qua đi.
  3. Tiếp tục tham gia những sinh hoạt hằng ngày có ảnh hưởng đến tinh thần và thể xác như: hội họa, âm nhạc, thể thao, võ thuật.
  4. Điều hòa mọi sinh hoạt hằng ngày như ăn, ngủ, tắm rửa.
  5. Tránh uống nhiều rượu vì sẽ làm gia tăng thêm buồn nản.
  6. Cắt xén các cây cối quanh nhà và trước cửa sổ.
  7. vén màn cửa sổ lên, sinh hoạt và tập thề dục gần cửa sổ, nơi có ánh sáng.

ĐIỀU TRỊ:
Trong trường hợp có bệnh nầy, bệnh nhân cần gặp Bác Sĩ để được điều trị.Thường thì bệnh buồn được điều trị phối hợp bởi thuốc chống buồn nản (Antidepressant) và Quang Học trị liệu (Phototherapy).

Quang học trị liệu là phương pháp chính trong biện pháp trị liệu. Thời gian xử dụng ánh sáng đặc biệt (Special light boxes) hoặc hộp ánh sáng di động (portable light visors) phải được dùng đúng tầm mức và khoảng cách. Sự lạm dụng có thể nguy hại đến mắt bệnh nhân.

Kết quả bệnh nhân có thể hồi phục ngay sau vài lần điều trị. Tuy nhiên cần trở lại để bác sĩ điều chỉnh và tiếp tục trị liệu cho đến khi thật hoàn toàn bình phục.

Mọi chi tiết cần biết thêm về chứng bệnh buồn nản này (depression) có thể liên lạc với trung tâm:

National Organization for Seasonal Affective Disorder.
P.O. Box 40133
Washington, DC. 20016

Thầy Lang Kontum

Xem sản phẩm dược thảo.

Bình luận cho bài viết này

Vui lòng nhập tên của bạn.
Vui lòng nhập Email của bạn.
Email của bạn không đúng. Vui lòng nhập lại.
Vui lòng nhập điện thoại.
Vui lòng nhập nội dung.

Các bài khác