DƯỢC VỊ:

Thổ Phục Linh

TÊN KHÁC

Vũ dư lương, Bạch dư lương (Bản thảo kinh tập chú), Thảo vũ dư lương căn (Bản thảo bổ di), Quá sơn long (Chu thị tập nghiệm phương), Tiên di lương (Trấn Nam bản thảo), Sơn địa lật, Quá phong long (Bản thảo cương mục), Sơn quy lai (Hữu dụng thực vật đồ thuyết), Hồng thổ linh, Sơn kỳ lương (Toàn quốc trung thảo dược hối biên) .

DƯỢC LÝ

Theo Trung Quốc Thổ nông dược chí (1959) thì trong Thổ Phục Linh có sacsaponin C45H47017 có tác dụng tiêu độc, giử nước dùng để tẩy chất độc, tannin.

Tác dụng kháng thũng lựu (u bướu): một số thầy thuốc dùng Thổ phục linh trị u bướu ở bàng quang có kết quả (Dương Đức Ân, Trung hoa y học tạp chí 1987, 67 (11): 622).

ĐƠN THUỐC THAM KHẢO

Trị độc giang mai: Thổ phục linh, Bạch tiên bì, Kim ngân hoa, Ý dĩ nhân, Phòng phong, Mộc thông, Mộc qua, Tạo giác tử. Sắc uống ấm, ngày uống ba lần (Sưu phong giải độc thang – Y tông kim giám).

Trị độc lở loét, giang mai: Thổ phục linh 30g hoặc 15g, sắc đặc, uống với rượu (Điền Nam bản thảo).

Trị huyết lâm (tiểu ra máu): Thổ phục linh, Rễ trà đều 15g, sắc, thêm ít đường, uống (Giang Tây thảo dược).

Trị phong thấp đau nhức, nhọt độc lở loét: Thổ phục linh (bỏ vỏ) 480g, nấu chung với thịt heo, uống và ăn trong ngày (Triết Giang dân gian thường dụng thảo mộc).

Trị tràng nhạc (lao hạch) vỡ loét: Thổ phục linh 20g, nấu lấy nước uống thay nước hàng ngày. Hoặc tán bột, hòa với cháo ăn (Dược liệu Việt Nam).

Trị nước ăn chân sinh ngứa, lở loét chảy nước hôi: Thổ phục linh 20g, rễ có xước (sao) 16g, vỏ Núc nác (tẩm rượu, sao)) 16g, rễ Gấc (sao) 12g, Kim ngân hoa 16g, Lá lốt 20g. Sắc với 600ml nước còn 200ml. Người lớn uống hết một lần, trẻ nhỏ chia làm 2–3 lần uống (Dược liệu Việt Nam) .

THAM KHẢO
 
Uống Thổ phục linh không được uống trà, uống trà hay bị rụng tóc (Đông dược học thiết yếu).